Năm 1967: nghỉ học, đi buôn trứng cùng với mẹ để giữ em.
Năm 1968: theo gia đình chuyển về Kiên Giang sinh sống.
Năm 1968: theo gia đình chuyển về Kiên Giang sinh sống.
Năm 1970: bắt đầu tự mình đi buôn trứng từ các tỉnh miền Tây lên Sài Gòn.
Năm 1972: kết hôn.
Năm 1975: vào làm cho XN Nông sản thực phẩm Kiên Giang.
Năm 1982: lập vựa trứng ở TP.Hồ Chí Minh lấy tên Ba Huân.
Năm 1985: chuyển đổi vựa trứng thành Cơ sở thu mua và phân phối trứng Ba Huân.
Năm 2000: chuyển đổi cơ sở lên DNTN Ba Huân.
Năm 2006: cho nhập dây chuyền xử lý và đóng gói trứng gia cầm từ Tập đoàn Moba (Hà Lan).
Ngày 01 tháng 12 năm 2006: chuyển đồi Doanh nghiệp tư nhân thành Công ty TNHH Ba Huân.
Hiện nay: giám đốc điều hành Công ty TNHH Ba Huân.
Thành tích: Nhà Doanh nghiệp tiêu biểu đạt Sao Đỏ, Doanh nghiệp Trẻ xuất sắc, Cúp vàng Doanh nhân Tâm tài, Người tốt – Việc tốt …
“Tôi chỉ là một người buôn trứng bình thường, chỉ làm công việc nối dòng chảy từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Chính nhờ cái nghề này tôi đã nuôi các em mình ăn học thành tài. Đó chính là điều làm tôi hài lòng nhất trong cuộc đời của mình. Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi đã chọn mang cái nghiệp buôn trứng này”
Phạm Thị Huân
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ba Huân
Giám đốc điều hành Công ty TNHH Ba Huân
“Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”, câu thành ngữ của người xưa ta đúng với trường hợp của bà. Một đời – một nghề, từ cô bé mười ba tuổi theo mẹ đi bán trứng gà, trứng vịt khắp vùng sông nước miền Tây, giờ đây đã là bà chủ của một công ty phân phối trứng gia cầm lớn nhất miền Nam. Câu chuyện của bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân không chỉ đơn giản là câu chuyện của một người phụ nữ đã dành trọn cuộc đời mình cho nghề buôn trứng. Mà đó còn là câu chuyện về một doanh nhân chấp nhận thách thức để mở đường cho công nghệ trứng sạch ở Việt Nam.
"CÔ CHỦ" MƯỜI SÁU TUỔI
Phạm Thi Huân sinh ra vào một ngày cuối năm 1954 tại vùng đất phèn nhiễm mặn xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Là con thứ hai trong gia đình có 8 anh chị em nên bà vẫn thường được mọi người gọi với cái tên đơn giản là Ba Huân. Và ngày đó, chẳng ai ngờ được rằng cái tên mộc mạc theo cách gọi quen thuộc của người dân Nam Bộ ấy, sau này đã trở thành một thương hiệu trứng gia cầm nổi tiếng khắp các tỉnh miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, lai là chị thứ 2 trong nhà nên ngay từ nhỏ, Phạm Thị Huân phải biết sống một cách tự lập, chăm sóc cho các em và phụ giúp cha mẹ các công việc trong nhà. Tên thường gọi của bà ở nhà là Ba Huân. Mẹ bà là người phụ nữ chịu thương chịu khó, làm nghề buôn bán trứng gia cầm từ Gò Công, Tiền Giang đến Chợ Lớn, Sài Gòn. Những quả trứng gà, trứng vịt nhỏ bé của mẹ ngày ấy tuy rẻ tiền nhưng là cách để gia đình bà có thể sinh sống qua ngày. Mẹ là người ảnh hưởng lớn nhất đến tương lai sau này của bà.
Học hết lớp năm, bà nghỉ học để phụ mẹ buôn bán. Mặc dù công việc chủ yếu của bà chỉ là trông nom các em cho mẹ bán hàng, nhưng chính từ khoảng thời gian này, những bài học đầu tiên trong nghề buôn trứng đã được mẹ bà dạy lại như một lẽ tự nhiên. Từ cách phân loại trứng đến cách mua, cách bán từng quả trứng cho khách hàng. Tất cả đều được bà tiếp thu một cách nhiệt tình. Mặc dù chỉ mới 13 tuổi, cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, bà đã phải thức khuya dậy sớm, vất vả với nắng mưa cùng mẹ ngược xuôi buôn bán. Nhưng với bà, đó lại là niềm vui, là sở thích thực sự. Nhớ lại những ngày ấy, bà nói: “Lúc đó, tôi không hề cảm thấy ấm ức vì sao mình không được đi chơi, đi học như những bạn cùng trang lứa mà tôi lại tìm thấy niềm vui, niềm đam mê thực sự với công việc buôn bán những quả trứng gà, trứng vịt của mẹ".
Có lẽ thấy được sở thích và khả năng của con gái trong công việc này, nên sau ba năm, mẹ của Ba Huân quyết định không làm nữa mà giao lại toàn bộ công việc buôn bán cho bà. 16 tuổi, bà chính thức bước chân vào con đường buôn trứng gia cầm. Và tất nhiên, cái chức danh “cô chủ” quả thực không dễ dàng đối với một cô bé còn chưa qua tuổi thành niên.
Khó khăn liên tiếp khó khăn đối với cô chủ nhỏ, nhưng điều quan trọng nhất với bà là vốn, bởi lúc đó, "vốn" của bà là một con số không tròn trĩnh. Số tiền bà dành dụm được chẳng thấm vào đâu cho một chuyến buôn. Không có tiền, bà quyết định mua chịu. Bà lần lượt đến gặp từng người chủ trại chăn nuôi để thuyết phục, năn nỉ họ cho bà mua gối đầu những lô trứng đầu tiên, sau khi đem lên Sài Gòn bán sẽ đem trả tiền. Ban đầu những người này không tin tưởng lắm vào một cô bé còn trẻ tuổi, nhưng với bản tính phóng khoáng, chất phác của người nông dân Nam Bộ, cộng với cảm nhận được sự chân thành qua từng lời nói, ánh mắt của cô gái trẻ, cuối cùng họ cũng đồng ý.
Ba Huân biết rằng chỉ có thể “mua tận gốc, bán tận ngọn” thì mới có lời. Có được những lô trứng đầu tiên, bà đưa thẳng đến các chủ vựa trứng lớn nhất trên đường Triệu Quang Phục ở Sài Gòn, chứ không thông qua bất kỳ một trung gian nào. Sau khi thu được tiền, bà đem trả tiền lại vốn cho những người cung cấp trứng cho mình, nhưng do chưa có đủ tiền để mua trọn lô trứng tiếp theo nên bà tiếp tục xin mua chịu. Điều đặc biệt làm những người chăn nuôi đồng ý cho bà mua chịu chính là cách kinh doanh “có đầu có đuôi" của bà. Trong khi những lái buôn khác cố ý bắt chẹt người chăn nuôi để thu mua trứng với giá thật rẻ, thì bà lại chấp nhận lấy giá sao cho họ không những bù đắp được chi phí bỏ ra mà còn phải có lãi, dù lợi nhuận bà thu được không cao. Thực tế, công việc buôn bán của bà khi đó chỉ là lấy công làm lời. Số tiền thu được cũng chỉ đủ cho bà phụ giúp cha mẹ một phần nuôi các em ăn học.
Không dừng lại ở một, hai đầu mối cung cấp trứng, bà nhanh chóng mở rộng bằng cách đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để thu mua trứng. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng bà đã chứng tỏ rằng mình không hề non nớt trong buôn bán khi thiết lập được một mạng lưới những bạn hàng uy tín khắp các tỉnh miền Tây. Cùng với việc luôn đảm bảo đủ số lượng, chất lượng trứng cung cấp, bà nhận được đơn đặt hàng thường xuyên của những chủ vựa trứng trên Sài Gòn. Một điều thú vị là trong những chuyến hàng ngược xuôi khắp vùng sông nước lúc đó, bà đã gặp và yêu một anh chàng tài công chạy tàu. Năm 1972, hai người kết hôn với nhau, khi đó Ba Huân vừa tròn 18 tuổi.
TỪ 5% SỐ TRỨNG VỨT ĐI
Ngày 30 tháng 04 năm 1975, đất nước thống nhất. Sự kiện này có tác động nhanh chóng đến các hoạt động kinh tế, xã hội ở miền Nam. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nhà nước tổ chức lại các loại hình buôn bán. Kinh tế tư nhân, buôn bán cá thể dần bị hạn chế và xóa bỏ, thêm vào đó là các hợp tác xã, xí nghiệp kinh tế do nhà nước quản lý. Việc buôn bán trứng gia cầm cũng không ngoại lệ. Sau khi nhà nước tiếp quản, Ba Huân xin vào làm cho Công ty Nông sản Thực phẩm Kiên Giang.
Do có nhiều kinh nghiệm nên bà được nhận vào làm ở mảng trứng gia cầm của công ty. Công việc chủ yếu là đi thu mua trứng từ các hộ nông dân ở vùng nông thôn đem về công ty, sau đó phân phối đến các cửa hàng bán thực phẩm của nhà nước ở các quận trong thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ những mối cung cấp trứng trước kia nên bà không gặp nhiều trở ngại trong công việc này. “Khi đó, những mối lái hầu như chỉ biết giao trứng cho người có tên Ba Huân chứ cũng chẳng để ý rằng cung cấp cho công ty nào, ông giám đốc là ai", bà nói.
Một điều đáng nói là công ty giao chỉ tiêu cho bà phải đảm bảo chất lượng 95% số lượng trên tổng số trứng giao về. Nói một cách khác, cứ một xe trứng 100.000 quả đem về thì 95.000 quả phải đạt tiêu chuẩn. Bà kể: “Họ giao cho tôi tỉ lệ hao hụt là 5%, vì đó là số lượng trứng xấu, móp, vỡ … Và họ nghĩ rằng 5% ấy chỉ vứt đi chứ chẳng làm được gì. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Đối với tôi, số trứng ấy vẫn còn có ích nếu biết cách tận dụng”. Vậy là trong quá trình lựa chọn, phân loại kỹ để giao đủ số lượng trứng theo yêu cầu của công ty, bà cẩn thận để riêng những quả trứng bị móp, bị vỡ. Sau đó, bà đem số trứng này đến bán rẻ cho các tiệm làm bánh, làm mì sợi trên thành phố Hồ Chí Minh. Những tiệm này chỉ quan tâm chất lượng quả trứng có đảm bảo hay không, chứ hình thức trứng xấu đẹp thế nào thì đó không phải là vấn đề. “Với nhiều người, 5% số lượng trứng ấy chỉ để vứt đi thì với tôi, đó lại là 5% tiền lời quý giá".
Số tiền thu được từ việc bán những quả trứng móp, vỡ ấy đều được Ba Huân đem đi mua vàng. Bà cho biết: “Thời điểm đó, vàng còn rất rẻ, cứ tích cóp được vài ba trăm ngàn là tôi lại đi mua một, hai chỉ vàng đưa cho mẹ cất giữ. Mẹ tôi lấy số vàng ấy đem bỏ vào những bồ trấu chôn ở quanh nhà”. Vào thời điểm sau giải phóng, ở miền Nam có một số người muốn ra nước ngoài định cư. Cho dù theo diện hợp pháp hay bất hợp pháp thì họ đều muốn bán nhà một cách nhanh chóng, vì vậy giá nhà đất khi đó rất thấp. Nắm bắt được cơ hội này, bà quyết định dùng nó để mua nhà, mua đất. Những ngôi nhà mua được trong khoảng thời gian này đều giúp ích rất nhiều cho công việc kinh doanh của bà sau này.
Ngoài công việc thu mua trứng, Ba Huân còn được giao nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo kỹ thuật cho công nhân làm việc ở mảng trứng gia cầm của công ty. Với kinh nghiệm của mình, bà dễ dàng chỉ cho họ biết chính xác nguồn gốc của quả trứng khi cầm trên tay: trứng Ô Môn nhiều tròng đỏ, trứng Kiên Giang thì nhiều tròng trắng, trứng Long Xuyên thì vỏ xanh, ruột ngon nhưng kén người dùng. Không chỉ hướng dẫn một cách tận tình cho họ cách thức lựa trứng, phân loại những quả trứng tốt xấu, bà còn quan tâm chia sẻ với họ những tất cả, khó khăn trong cuộc sống. Công việc này đem lại cho bà những trải nghiệm phần nào trong việc quản trị con người.
Những năm đầu thập kỷ 80, trong một số lĩnh vực kinh tế, nhà nước bắt đầu cho phép tư nhân tham gia hoạt động, trong đó có ngành nông sản thực phẩm. Do tình hình làm ăn thua lỗ, Công ty Nông sản Thực phẩm Kiên Giang buộc phải giao mảng buôn bán trứng gia cầm cho tư nhân. Nhận thấy rằng đây là thời điểm điểm thích hợp để tự mình đứng ra kinh doanh, Ba Huân quyết định xin nghỉ việc.
Năm 1982, với số vốn 200 triệu dành dụm được, bà mở một vựa trứng lấy tên là Ba Huân tại thành phố Hồ Chí Minh. Công việc chủ yếu là thu mua trứng từ miền Tây đem giao cho các chợ đầu mối trong thành phố. Thương hiệu trứng Ba Huân bắt đầu hình thành từ đây.
Bằng uy tín với những mối bạn hàng quen biết từ trước, bà nhanh chóng phát triển vựa trứng của mình ngày một lớn mạnh. Ngoài ra, bà còn cho nhiều hộ nông dân vay vốn để mở trại chăn nuôi gia cầm, hướng dẫn họ các kỹ thuật, quy trình chăn nuôi hiệu quả. Việc làm này của bà không chỉ giúp cho nhiều hộ gia đình thoát nghèo, mà còn đảm bảo ổn định nguồn cưng cấp trứng cho mình. Công việc của bà gặp nhiều thuận lợi, số lượng trứng bán tăng lên nhanh chóng, quy mô hoạt động của cơ sở ngày càng phát triển. Chỉ sau 3 năm, từ vựa trứng ban đầu với số vốn 200 triệu đồng, bà đã chuyển thành Cơ sở thu mua và phân phối trứng gia cầm Ba Huân với số vốn 400 triệu đồng.
"Sau một thời gian phát triển, một phần vì nhiều người cho rằng với quy mô hoạt động như Ba Huân thì phải là doanh nghiệp mới phù hợp, mặt khác tôi nghĩ rằng muốn xây dựng thương hiệu Ba Huân cho vững, cho mạnh thì cũng phải chuyển đổi thành doanh nghiệp". Năm 2000, cơ sở của bà trở thành Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân với hơn 100 công nhân. Bà cũng quyết định bán bớt một căn nhà trước kia đã mua để tăng số vốn lên 5 tỷ đồng, thuận tiện trong việc nâng cao hoạt động doanh nghiệp.
Những tưởng con đường kinh doanh của Ba Huân sẽ ngày càng thuận lợi và phát triển, nhưng có lúc bà cũng phải đối diện với những thách thức lớn trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Nhưng có lẽ sự kiên đáng nhớ nhất đó là những ngày cuối năm 2003 …
KHI QUẢ TRỨNG KHÔNG AI MUA
Bắt đầu từ Trung Quốc, dịch cúm gia cầm mang chủng H5N1 lan sang hàng loạt các nước Châu Á. Tháng 12 năm 2003, H5N1 bùng phát ở Việt Nam, hàng loạt trang trại chăn nuôi gà vịt liên tiếp phát dịch bệnh, dịch cúm gia cầm nhanh chóng lan rộng trên phạm vi cả nước. Chính phủ đề ra nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh và hạn chế sự lây lan của nó, yêu cầu người chăn nuôi khi phát hiện gia cầm có bệnh thì ngay lập tức phải thiêu hủy, những gia cầm trong phạm vi xung quanh dù không mắc bệnh cũng bị thiêu hủy. Không chỉ gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, dịch cúm gia cầm này còn tạo tâm lý hoang mang trong xã hội khi virus H5N1 bắt đầu lây lan từ gia cầm sang người. Người dân tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế ăn thức ăn chế biến tử thịt và trứng gia cầm.
Hậu quả của dịch cúm là những trại chăn nuôi sạch bán ra cũng không ai mua. Những doanh nghiệp buôn bán trứng gia cầm cũng bị cuốn vào vòng xoáy ảnh hưởng của dịch. Những doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm làm từ trứng như bánh mì, bánh ngọt, mì sợi … cũng phải lao đao theo dịch bệnh. Số lượng trứng nhập giảm mạnh, mà cũng không thể bán vì không ai muốn mua. Đầu vào hạn chế, đầu ra không có, những vựa trứng bị thua lỗ nặng nề , có nơi không cầm cự nổi đành phải phá sản. Lẽ dĩ nhiên, Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của nó, thậm chí còn bị rất nặng nề. Ba Huân nhớ lại: "Tình hình của doanh nghiệp rất bi đát, không có đầu ra, toàn bộ số trứng mua về đều phải thiêu hủy. Nguồn vốn dần bị thâm hụt trong khi những khoản ứng vốn đều khó đòi lại. Mà muốn đòi cũng không được, vì hầu hết người chăn nuôi và một số chủ vựa nhỏ được ứng vốn đều lâm vào cảnh trắng tay, mất khả năng chi trả. Sau nạn dịch năm 2003, Ba Huân bị lỗ gần 6 tỷ đồng".
Trước tình cảnh như vậy, Ba Huân gần như suy sụp và đổ bệnh, dù vậy, bà cũng gắng gượng đi xuống những trại chăn nuôi để tìm hiểu tình hình và tìm giải pháp thoát khỏi tình trạng này. Bà kể: "Đi đến đâu tôi cũng chỉ bắt gặp sự tiêu điều, nhiều trại chăn nuôi lúc trước xôm tụ bao nhiều giờ đồng loạt phải “phơi chuồng”, người nông dân gặp tôi ai cũng khóc. Thu nhập của cả gia đình chỉ trông vào đàn gà, đàn vịt, giờ không còn gì nữa thì không đau đớn sao được. Họ khóc rồi tôi cũng khóc. Chúng tôi ngồi bàn bạc với nhau xem còn cách nào vượt qua giai đoạn khó khăn này hay không. Chính chuyến đi đó giúp tôi có thêm quyết tâm để không bỏ cuộc".
Sau khi trở về, Ba Huân lên Chi cục Thú y thành phố hỏi cách để đảm bảo cho quả trứng được ra thị trường một cách an toàn, hợp vệ sinh. Được sự hướng dẫn của họ, bà quyết định bán đi một căn nhà nữa để lấy tiền cải tổ lại doanh nghiệp. Bà sửa sang lại cơ sở sản xuất cho rộng rãi, sạch sẽ, đưa hệ thống sục khí ôzôn vào công đoạn vệ sinh trứng, đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh cho sản phẩm. Những cố gắng của bà nhanh chóng có kết quả khi trứng Ba Huân được các cơ quan kiểm dịch xác nhận là đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù trong năm 2004 vẫn còn có những ảnh hưởng nhất định, nhưng với nhiều biện pháp chống dịch hiệu quả, dịch cúm gia cầm H5N1 cũng có dấu hiệu chững lại, và bắt đầu suy giảm. Người tiêu dùng dần dần quay lại với các sản phẩm gia cầm. Quả trứng cũng xuất hiện trở lại trong mâm cơm nhiều gia đình. Các doanh nghiệp buôn bán trứng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, trong đó Ba Huân là một trong số ít doanh nghiệp có sự tăng trưởng sớm nhất.
Tuy nhiên, sau khi cố gắng vượt qua trận dịch 2003, người buôn trứng như bà Ba Huân tưởng rằng sẽ được thở phào nhẹ nhõm thì đến đầu năm 2005 dịch cúm gia cầm H5N1 tái bùng phát trở lại. Không những thế, tác động của trận dịch này còn nặng nề hơn trước. Sồ người nhiễm virus H5N1 nhiều hơn, số người chết vì cúm gia cầm cũng tăng lên. Điều này một lần nữa đưa những người chăn nuôi gia cầm, và cả những doanh nghiệp buôn bán trứng lâm vào tình trạng khủng hoảng và thua lỗ nghiêm trọng.
Một lần nữa, bà Ba Huân phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Bà cho biết: "Tôi gần như định đóng cửa doanh nghiệp. Thậm chí là tôi đã chuẩn bị gom tiền để chuyển sang đầu tư vào một lĩnh vực khác. Nhưng rồi tôi chợt nghĩ, từ trước đến nay , mình chỉ biết có quả trứng gà, trứng vịt, giờ chuyển qua làm cái khác thì chắc gì đã hơn người ta. Quan trọng hơn là nếu mình bỏ cuộc thì hàng vạn nông dân, những người vẫn gắn bó với mình từ khi mới vào nghề đến giờ sẽ ra sao? Từ suy nghĩ đó, tôi quyết tâm phải cố gắng đến cùng, phải sống chết với cái nghề này”. Được sự động viên của gia đình, Ba Huân cùng với đội ngũ nhân viên của mình quyết định cố gắng duy trì hoạt động của doanh nghiệp, vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cuối cùng rồi trận dịch 2005 cũng qua, dù đã rút kinh nghiệm từ đợt dịch trước nhưng Ba Huân cũng bị thiệt hại rất nặng nề, thua lỗ hơn một tỷ đồng. Điều này làm cho Ba Huân phải suy nghĩ rất nhiều. “Qua hai trận dịch, tôi tự hỏi vì sao các nước khác cũng bị dịch bệnh nhưng người ta vẫn duy trì hoạt động buôn bán bình thưởng, còn ở nước ta thì cứ dịch bệnh đến là chẳng còn ai dám ăn quả trứng hay con gà, con vịt nữa. Tôi đem thắc mắc này hỏi một người em hoï đang sống ở Mỹ thì được biết rằng, ở bên đó họ có dây chuyền công nghệ xử lý vi khuẩn hiện đại nên khi quả trứng đến tay người tiêu dùng thì đã tuyệt đối an toàn. Em tôi khuyên tôi nên nhập công nghệ đó về. Nhưng lúc đó tôi làm gì có tiền. Tuy vậy, gợi ý đó vẫn được tôi chú tâm”.
Ba Huân quyết định chia sẻ những suy nghĩ của mình với lãnh đạo ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngay sau đó, một tờ báo có tiếng đã cho đăng những lời chia sẻ của bà. Và có ai ngờ được rằng, bài báo đó đã tạo nên bước ngoặt cho sự phát triển của Doanh nghiệp tư nhân Ba Huân.
NHẬP CÔNG NGHỆ CHO NGHỀ VỮNG CHẮC
Ngay sau khi bài báo được đăng vài hôm, Ba Huân thấy có một người đến gặp bà với catalogue giới thiệu về một dây chuyền xử lý và đóng hộp các loại trứng gia cầm của Hãng Moba ở Hà Lan. Bà kể: "Lúc đó tôi rất lo, trước là mình không có nhiều tiền, sau là mình cũng chẳng biết gì về máy móc thì làm sao mà mua. Tôi nói với họ rằng bây giờ coi trên catalogue thì tôi không hiểu lắm, nếu được thì công ty có thể mời tôi qua bên đó để xem cụ thể như thế nào rồi tôi sẽ quyết định. Chi phí đi lại thì tôi có thể tự lo được, tôi chỉ cần thư mời để đi thôi. Và chẳng bao lâu sau tôi đã nhận được thư mời".
Lúc đầu, Ba Huân cùng chồng đi Thượng Hải rồi đến Úc, bởi đây là hai nơi có nhà máy sử dụng dây chuyền công nghệ của Hãng Moba. Thượng Hải và Úc đều là những vùng bị ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm H5N1, nhưng trứng gia cầm vẫn được sử dụng một cách bình thường, vì tất cả trứng ra thị trường đều được xử lý và kiểm tra hết sức nghiêm ngặt với những nhà máy có công nghệ kỹ thuật hiện đại. Thực tế này đã thuyết phục Ba Huân đồng ý đầu tư mua hệ dây chuyền xử lý trứng của Tập đoàn Moba. Tuy nhiên, bà lại không nhận được sự đồng tình của nhiều người thân, bạn bè. Họ cho rằng bà đang làm một công việc quá mạo hiểm: “Quả trứng giá chỉ vài ngàn, bán trứng chỉ lời từng đồng, lại vừa mới đối phó với mấy trận dịch cúm, việc đầu tư hàng chục tỷ đồng cho một cái máy không khéo lại trắng tay mà còn vác thêm của nợ”. Mặc dù có nhiều người khuyên bà nên suy nghĩ lại, nhưng bà vẫn tin rằng quyết định của mình là đúng đắn.
Để bà có thể tìm hiểu kỹ hơn về công nghệ hiện đại này, Tập đoàn Moba còn gửi vé máy bay và thư mời bà đến tham quan trụ sở của họ tại Hà Lan. Tận mắt chứng kiến hoạt động của hệ thống máy móc và phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp của họ, Ba Huân cảm thấy an tâm hơn với quyết định của mình. Bà đã nói với ông chủ Tập đoàn Moba rằng: "Tôi biết rằng không có cơ sở gì để trả giá, nhưng tôi xuất thân từ nông dân, đến từ một đất nước còn nghèo. Mấy ông thương thì tôi nhờ, mấy ông ghét thì tôi chịu. Tiền này là tiền của cá nhân tôi và do mấy anh em trong gia đình đóng góp, chứ không phải tiền tập thể hay cơ quan nhà nước, nên nếu được thì mấy ông có thể cho một cái giá sát nhất". Thông qua người phiên dịch, ông Henry - Chủ tịch Tập đoàn Moba rất bất ngờ và cảm phục khi biết câu chuyện của bà, một người phụ nữ đã gắn bó với quả trứng gia cầm gần như cả cuộc đời. Ông đồng ý bán cho bà toàn bộ hệ thống dây chuyền với giá 650.000 euro. Đây là một mức giá thấp hơn nhiều so với những nơi khác. Ông còn đặc biệt ưu đãi cho Ba Huân loại máy công suất 65.000 trứng/giờ dù bà chỉ đặt hàng máy công suất 45.000 trứng/giờ. Ngoài ra, sau khi máy móc thiết bị được chuyển về Việt Nam, Tập đoàn Moba còn cho một số chuyên viên của mình từ Hà Lan bay sang để xem xét trong một thời gian ngắn, nhằm đảm bảo rằng dây truyền hoạt động hiệu quả, không gặp bất kỳ vấn đề gì.
Một điều thú vị trong hoạt động kinh doanh của Moba là khi một khách hàng nước ngoài nào đến mua máy của họ, thì quốc kỳ đất nước của khách hàng đó sẽ được treo trang trọng trong trụ sở của tập đoàn. Vì vậy, sau khi hợp đồng giữa Ba Huân với Tập đoàn Moba được ký kết, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam đã được treo ngang hàng với quốc kỳ của các nước khác trước đó. Bà kể: "Khi thấy lá cờ của đất nước mình được kéo lên, đó là giây phút tôi thực sự xúc động. Tôi cảm thấy mình đã làm được một chút gì đó cho đất nước mình”. Trước khi bà trở về nước, ông Henry còn đích thân mời bà đi tham quan một số nước Châu Âu như Đức, Bỉ, Pháp, Lucxemburg. Một mặt là để du lịch, mặt khác là để tìm hiểu quá trình hoạt động sản xuất trứng của một số nhà máy đang sử dụng công nghệ của Moba tại các nước này.
Chuyến đi này đã đem lại cho Ba Huân rất nhiều điều bổ ích. Điều bà thấy ấn tượng nhất là ở những nước này, các nhà máy sản xuất trứng gia cầm đều nằm ở vùng ngoại ô rất xa trung tâm thành phố. Trứng cung cấp cho người tiêu dùng ở thành phố đều được những chiếc xe tải rất sạch sẽ, an toàn vận chuyển vào hệ thống siêu thị. Điều này không chỉ đảm bảo vấn đề vệ sinh, môi trường trong sạch mà còn đảm bảo vẻ mỹ quan của đô thị. Chính vì vậy sau khi về nước, bà quyết định chọn khu vực Bình Chánh, một huyện cách xa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh để mở nhà máy sản xuất trứng gia cầm. Không những vậy bà còn cử hai chuyên viên của công ty sang tu nghiệp tại Tập đoàn Moba để học các quy trình và kỹ thuật điều khiển hệ thống máy móc, trước khi bà chính thức cho doanh nghiệp của mình đi vào hoạt động.
Nhưng một vấn đề đặt ra cho Ba Huân là nguồn vốn ở đâu để xây dựng nhà xưởng, trong khi tình hình tài chính của doanh nghiệp đang rất khó khăn sau hai trận dịch. Biết được kế hoạch hiện đại hóa công nghệ sản xuất trứng gia cầm của bà, lãnh đạo thành phố cho rằng đây là một hướng đi không chỉ giải quyết vấn đề an toàn vệ sinh cho trứng gia cầm, mà còn là cơ sở để đảm bảo ổn định đầu ra cho bà con nông dân chăn nuôi gia cầm trong cả nước. Vậy là chính quyền thành phố quyết định hỗ trợ bằng cách cho bà vay 11 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/ năm.
Có được số tiền đó, Ba Huân gom góp từ chị em, bạn bè và một số bạn hàng tin cậy thêm một ít nữa cho đủ số vốn cần thiết. Cuối năm 2005 bà quyết định chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân lên thành Công ty TNHH Ba Huân với vốn điều lệ 120 tỷ đồng. Sau khi nhập dây chuyền của Tập đoàn Moba về, nhà máy xử lý và đóng hộp trứng gia cầm của công ty chính thức đi vào hoạt động từ đầu tháng 12 năm 2006 với số vốn đầu tư 35 tỷ đồng. Nhà máy được đầu tư theo các yêu cầu khắt khe và nghiêm ngặt nhất của các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, vệ sinh như GMP, ISO, HACCP … Với nhà máy này, lần đầu tiên ở Việt Nam, việc sản xuất trứng gia cầm đã được công nghiệp hóa và tự động hóa hoàn toàn.
Ngoài ra, từ tháng 08 năm 2007, Công ty Ba Huân đã thiết lập một hệ thống định dạng thương hiệu hoàn toàn mới từ logo, bao bì, nhãn hiệu … đều được Ba Huân chăm chút để tạo dấu ấn riêng. Điều này không chỉ làm mới hình ảnh công ty theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, mà còn giúp công ty hạn chế được phần nào tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc khẳng định uy tín của thương hiệu Ba Huân đối với người tiêu dùng.
"MỘT TAY KHÔNG CHE HẾT BẦU TRỜI"
Ngày khánh thành nhà máy là một ngày khó quên đối với bà Ba Huân. "Ngày hôm đó, không chỉ các vị lãnh đạo thành phố, quận huyện, các đối tác làm ăn đến dự mà có rất nhiều bà con nông dân, những người chăn nuôi từ dưới quê cũng đến chia vui. Số lượng khách hơn 500 người, ai cũng mừng rỡ, tin tưởng rằng nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại này sẽ xua tan nỗi lo quả trứng mất vệ sinh, dịch bệnh".
Mải mê với niềm vui của mình, Ba Huân đã không ngờ rằng bên cạnh số đông ủng hộ bà còn có một số người không hài lòng. Đó chính là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực buôn bán trứng gia cầm như bà. Cũng dễ hiểu khi họ cho rằng Công ty Ba Huân mở nhà máy với công nghệ hiện đại như thế, chắc chắn sẽ gây nhiều thiệt hai cho doanh thu của họ. Nông dân sẽ muốn bán trứng cho Ba Huân hơn vì giá thành ổn định, người tiêu dùng sẽ muốn mua trứng của Ba Huân hơn vì chất lượng, vệ sinh được đảm bảo. Ba Huân cho biết: "Nhiều người đã cho rằng tôi đang cố chiếm hết thị trường, muốn giành lấy vị trí độc tôn trong nghề này, và không cho họ con đường làm ăn. Họ trách tôi sao không tiếp tục làm như cũ, lại tách riêng ra để đổi mới công nghệ, họ sao có đủ tiền để làm giống như tôi. Vì thế, họ quyết định tẩy chay, không thèm mua trứng của Công ty Ba Huân nữa. Không những vậy, họ còn làm đơn tố cáo lên chính quyền. Một thời gian dài, tôi phải lao đao vì chính những đồng nghiệp của mình".
Trong cuộc họp giữa chính quyền với 14 doanh nghiệp buôn bán trứng gia cầm trên địa bàn thành phố, Ba Huân đã đứng lên chia sẻ nỗi lòng của mình với những người cùng nghề: "Tôi mở nhà máy, nhập công nghệ chỉ với một mong muốn là người nông dân không còn phải lâm vào cảnh trắng tay khi dịch đến, người tiêu dùng an tâm khi bỏ tiền mua trứng. Thành phố càng ngày càng phát triển, khách nước ngoài đến ngày càng nhiều, nếu cứ mất vệ sinh thực phẩm thì ai còn dám đến nữa. Hiện đại hóa phải là yêu cầu tất yếu. Nhưng tôi biết một tay không thể che hết trời xanh. Một mình Ba Huân chắc chắn không thể lo hết được. Tôi mong các đồng nghiệp cùng với Ba Huân góp sức cùng phát triển ngành này, một người không đủ thì nhiều người hợp lại thì chắc chắn sẽ được". Bằng sự chân thành, bà cố gắng thuyết phục những đồng nghiệp của mình rằng thay đổi cách làm truyền thống, áp dụng công nghệ hiện đại là hướng đi đúng đắn và cần thiết. Một số người đồng ý với cách làm của bà, một số khác thì vẫn quyết định làm theo lối cũ. Hiện nay, dây chuyền sản xuất trứng của Công ty TNHH Ba Huân là công nghệ sản xuất trứng hiện đại nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á. Các công đoạn nạp trứng, rửa, sấy, phân loại, phủ dầu bảo vệ, soi trứng, tách vỏ, cân trứng và đóng hộp, dán nhãn thành phẩm đều được tự động hóa hoàn toàn. Không những vậy, máy còn tự động kiểm tra từng quả trứng để đảm bảo các thông số kỹ thuật về vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất xưởng. Với công suất 65.000 trứng/giờ mỗi ngày, nhà máy có khả năng xuất một triệu quả trứng cung cấp cho thị trường, bao gồm các loại: trứng gà, trứng vịt, trứng cút, trứng bắc thảo, trứng vịt lộn, trứng vịt muối … ở hai dạng: trứng nguyên và qua sơ chế. Trong đó, trứng gà và trứng vịt chiếm tỷ lệ cao nhất với 20% tổng số trứng. Doanh thu mỗi tháng của công ty hơn một tỷ đồng.
Với hơn 40 đầu xe, Công ty Ba Huân đã tổ chức mạng lưới thu mua trứng khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Lâm Đồng. Quả trứng sau khi xử lý sẽ được đưa đến hệ thống các siêu thị, metro, vựa trứng, bếp ăn công nghiệp, trường học … ở khắp các quận huyện thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành lân cận. Ngoài ra, trứng Ba Huân còn được các công ty kinh doanh thực phẩm lớn như Kinh Đô, Bibica, Như Lan … tín nhiệm, lựa chọn làm nguyên liệu chế biến cho mình.
Mặc dù là một doanh nghiệp đang dẫn đầu trong ngành buôn bán trứng gia cầm ở khu vực phía nam, song Ba Huân vẫn còn nhiều trăn trở. Hiện nay, Công ty TNHH Ba Huân là một trong số ít những doanh nghiệp có sự đầu tư về máy móc, thiết bị để đảm bảo vấn đề vệ sinh thực phẩm; trong khi còn rất nhiều cơ sở, vựa trứng vẫn đang làm ăn theo kiểu thủ công, manh mún, trứng không đảm bảo chất lượng vẫn được bày bán trên thị trường. Nhưng nghịch lý ở chỗ, Ba Huân vẫn buộc phải bán ngang giá chứ không thể cao hơn. Vì đối với mặt hàng này , người tiêu dùng vẫn còn thói quen mua hàng giá rẻ chứ không quan tâm nhiều đến chất lượng có đảm bảo hay không.
"Mình làm ngoài sáng, người ta làm trong bóng tối. Mình làm sạch, người ta làm dơ, nhưng phải bán ngang giá, chẳng khác nào lấy trứng chọi đá. Mặc dù có khả năng xuất một triệu trứng trong một ngày , nhưng hiện nay chúng tôi chỉ mới sử dung 60% đến 70% công suất của máy. Tuy vậy, tôi tin dân trí ngày một nâng cao, nếu mình có thể đứng cũng được thì một ngày nào đó, người tiêu dùng sẽ quay lưng với những quả trứng không có thương hiệu, kém an toàn để lựa chọn quả trứng bảo đảm chất lượng, vệ sinh". Trong kế hoạch sắp tới của mình, Ba Huân chuẩn bi hợp tác với Trường 4 của Thanh niên Xung phong, Trường Phú Văn của Sở Lao động Thương binh và Xã hội để mở hai trang trại chăn nuôi gà công nghiệp. Một phần đảm bảo nguồn trứng cung ứng cho công ty. Mặc khác, quan trọng hơn là khi có sản phẩm trong tay Ba Huân sẽ có thể chủ động nắm được chi phí bỏ ra. Theo đó bà có thể đưa ra giá thành sản phẩm một cách hiệu quả. Bà chia sẻ: "Giá trứng trên thị trưởng có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu thấp quá thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ, nhưng nếu cao quá thì người tiêu dùng khó chấp nhận. Mỗi ngày tôi đều tính toán sao cho có được một giá thành hợp lý nhất. Khi thấy giá trứng hơi thấp, tôi thường gọi điện cho nhân viên tăng giá mua vào để người chăn nuôi có lãi. Còn nếu giá hơi cao, thì tôi bán ra khoảng một, hai xe giá thấp để kéo giá xuống, người tiêu dùng không phải lo lắng khi đi chợ. Tôi không muốn công ty làm ăn theo kiểu bất chấp tất cả để tăng lợi nhuận tối đa, vì như thế là không bền".
Trong suốt hành trình kinh doanh của mình, Ba Huân ngày hôm nay cũng giống như khi còn là một cô lái buôn 16 tuổi, luôn lấy chữ tín làm đầu mà luôn quan niệm kinh doanh là phải “có trước có sau”, đặc biệt là với những người chăn nuôi gia cầm. Có lẽ bởi vì bà vẫn còn mang cái ơn ngày xưa họ đã chấp nhận, giúp đỡ mình trong những chuyến đi buôn đầu tiên. "Nhiều người chửi tôi ngu. Họ nói rằng với số tiền mà tôi hiện có, chỉ cần bỏ tiết kiệm ngân hàng, số tiền lãi hàng tháng tôi đủ sống thoải mái, không cần lo nghĩ gì hết. Chứ như bây giờ, hết chịu áp lực từ đồng nghiệp lại phải đau đầu tính toán làm sao để nhà máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo đời sống của gần 200 nhân viên, rồi tính toán đồng lời đồng lỗ. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu làm như thế, tôi chỉ có đem lại lợi ích cho riêng mình, trong khi nếu mở nhà máy này thì tôi có thể giúp ích rất nhiều người, đặc biệt là những người chăn nuôi gia cầm. Có nhà máy, họ có thể an tâm rằng những quả trứng do mình tạo được sẽ đem lại thu nhập tương xứng với công sức của họ, và không còn cảnh lo lắng phập phồng trước dịch bệnh nữa. Hiện nay, công ty chúng tôi vẫn chưa có lời, nhưng cái lời chính là có thể giúp công ăn việc làm ổn định của hàng vạn hộ nông dân".
Từ cô bé 13 tuổi theo mẹ đi bán trứng từ miền Tâm đến Sài Gòn, giờ đây Ba Huân đã là bà chủ của một trong những thương hiệu trứng gia cầm lớn nhất nước. Cuộc đời bà chỉ gắn bó với một công việc duy nhất, gần 40 năm lăn lộn với nghề, người phụ nữ nào vẫn chưa khi nào ngơi nghỉ. “Một đời tôi gắn bó với cái nghề buôn trứng, dù cho có nhiều thăng trầm nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn giữ được nó. Tôi chỉ là một người buôn trứng bình thường, chỉ làm công việc nối dòng chảy từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng. Chính nhờ cái nghề này tôi đã nuôi các em mình ăn học thành tài. Đó chính là điều làm tôi hài lòng nhất trong cuộc đời của mình. Tôi sẽ không bao giờ hối hận khi đã chọn mang cái nghiệp buôn trứng này”.
i like all am here with you on blogging ~`~
Trả lờiXóait is very good for all evryone
thanks !
Con rat nguong mo co va hua se luon hoc tap tu cach dao duc cua co
Trả lờiXóa